Viết bởi: Nguyễn Phương Tuyền (BSc); Nguyễn Trí Tâm (BPharm, BSc); Nguyễn Công Thành (SV ĐH Hutech); Võ Phan Minh Hiếu (SV ĐH Y Phạm Ngọc Thạch)
Hiệu đính: Phạm Phương Hạnh RPh, MSc
Đái tháo đường đang là một gánh nặng sức khỏe trên toàn thế giới. Bên cạnh việc cần tầm soát, điều trị sớm thì vấn đề phòng ngừa tốt các biến chứng cũng như giáo dục bệnh nhân về cách tự chăm sóc bàn chân đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân cũng như hiệu quả quản lý bệnh.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên (Peripheral Neuropathy)
Là bệnh lý thần kinh phổ biến nhất, ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở bàn tay, bàn chân, cẳng chân và cánh tay. Thường bắt đầu ở bàn chân và nó có xu hướng xuất hiện ở cả hai chân cùng một lúc. Bao gồm bệnh thần kinh cảm giác và bệnh thần kinh vận động.
Một số triệu chứng thường gặp như:
- Ngứa: bàn chân ngứa ran và có cảm giác như bị kim châm…
- Đau hoặc tăng nhạy cảm: bàn chân, tay rất lạnh hoặc rất nóng, cảm giác như đang mang vớ hoặc bao tay dù đang không mang, rất nhạy cảm khi chạm vào…
- Tê hoặc yếu: chân bị tê cứng, các cơ ở chân và bàn chân yếu, khó cảm nhận nóng lạnh, đứng và bước đi không vững…..
- Một số triệu chứng khác như: xuất hiện các vết loét trên bàn chân và cẳng chân. Những vết loét này rất chậm lành.
Thường các triệu chứng, đặc biệt là đau rát hoặc đau nhức sẽ nặng hơn vào ban đêm. Khi các triệu chứng đau đớn chấm dứt nhưng bệnh nhân vẫn còn cảm giác tê hoặc lạnh kéo dài ở bàn chân.
Bệnh thần kinh cảm giác (Sensory Neuropathy)
Bệnh thần kinh cảm giác chiếm phần lớn các ca bệnh lý thần kinh ngoại biên, bắt đầu từ các chi của cơ thể như bàn tay, bàn chân sau đó phát triển rộng ra cả chân và cánh tay. Các triệu chứng thường thấy như: mất cảm giác một vùng da, không cảm nhận được nóng hay lạnh, có cảm giác tê, ngứa, bỏng rát không giải thích được hay cảm giác đau nhói vào ban đêm…
Ở những bệnh nhân này thường trải qua tình trạng dị cảm (dysesthesia): cảm giác bỏng rát dưới da hay da cực kỳ nhạy cảm đến mức quần áo cũng có thể gây đau dữ dội.
Bệnh thần kinh vận động (Motor Neuron Disease)
Các bệnh thần kinh vận động là một nhóm các rối loạn thần kinh tiến triển, phá hủy các tế bào kiểm soát hoạt động của cơ bắp điều khiển các hoạt động như: nói, đi, thở và nuốt. Thông thường, tín hiệu từ các tế bào thần kinh ở trong não (được gọi là tế bào thần kinh vận động trên) được truyền đến các tế bào thần kinh trong thân não và tủy sống (được gọi là tế bào thần kinh vận động dưới) và từ chúng đến các cơ cụ thể. Khi có sự gián đoạn các tín hiệu này, có thể dẫn tới kết quả là cơ bắp dần dần yếu đi, mất sức và co giật không kiểm soát được (co giật). Cuối cùng, khả năng kiểm soát chuyển động tự chủ có thể bị mất.
Bệnh động mạch ngoại biên (Peripheral Artery Disease-PAD)
Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng thu hẹp các động mạch cấp máu cho chân, dạ dày, cánh tay và đầu. PAD ảnh hưởng nhiều nhất đến các động mạch ở chân.
Tương tự như bệnh mạch vành, PAD cũng do xơ vữa động mạch gây ra. Xơ vữa làm thu hẹp và tắc nghẽn động mạch ở những vùng quan trọng của cơ thể.
Các triệu chứng phổ biến nhất của PAD liên quan đến các chi dưới là chuột rút, đau hoặc mệt mỏi ở chân hoặc cơ hông khi đi bộ hoặc leo cầu thang. Thông thường, cơn đau này sẽ biến mất khi nghỉ ngơi và trở lại khi đi lại.
Phòng ngừa – trì hoãn các biến chứng bàn chân đái tháo đường
Khi bệnh nhân đã xuất hiện các tổn thương thần kinh hay PAD, không có bất kỳ phương pháp điều trị nào có thể đảo ngược tình trạng này. Trọng tâm vẫn là giữ cho bàn chân khỏe mạnh đồng thời kiểm soát cơn đau.
Một số điểm cần lưu lý trong phòng ngừa các biến chứng:
- Kiểm soát đường huyết trong phạm vi mục tiêu:
Lập kế hoạch cho bữa ăn, hoạt động thể chất và sử dụng thuốc theo toa. Giữ hẹn các đợt tái khám, xét nghiệm và tự theo dõi đường huyết tại nhà nếu được chỉ định. - Thực hiện đánh giá toàn diện bàn chân ít nhất mỗi năm một lần để xác định các yếu tố nguy cơ gây loét và cắt cụt chi.
- Bệnh nhân hút thuốc hoặc có tiền sử biến chứng chi dưới trước đó, mất cảm giác bảo vệ, bất thường cấu trúc, hoặc bệnh hẹp động mạch ngoại biên cần được chuyển đến các chuyên gia chăm sóc bàn chân để được chăm sóc phòng ngừa liên tục và theo dõi suốt đời
- Cung cấp phương pháp tự chăm sóc bàn chân phòng ngừa chung cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường
- Nhận biết và điều trị sớm bệnh nhân đái tháo đường và bàn chân có nguy cơ bị loét và cắt cụt chi có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa các kết quả bất lợi.
Làm thế nào để chăm sóc bàn chân đúng cách?
- Tất cả bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là những bệnh nhân có nguy cơ cao ở chân (tiền sử loét hoặc cắt cụt chi, dị dạng, mất cảm giác bảo vệ (LOPS – loss of protective sense), hay PAD và gia đình của họ cần được giáo dục về các yếu tố nguy cơ và cách xử trí thích hợp
- Bệnh nhân có nguy cơ nên hiểu các tác động của bệnh lý bàn chân và biết cách chăm sóc bàn chân thích hợp (bao gồm cả chăm sóc móng và da) và tầm quan trọng của việc theo dõi bàn chân hàng ngày. Bệnh nhân bị LOPS nên được dạy về các cách thay thế các phương thức cảm giác khác (sờ nắn hoặc kiểm tra bằng mắt) để theo dõi các vấn đề về bàn chân sớm
- Chăm sóc tốt bàn chân. Kiểm tra bàn chân mỗi ngày bằng mắt. Dùng gương để nhìn phần bên dưới chân. Dùng tay để cảm nhận các điểm nóng hoặc lạnh, vết sưng hoặc da khô.
- Tìm vết loét, vết cắt hoặc vết lở trên da. Đồng thời kiểm tra bắp chân, vết chai, mụn nước, vùng đỏ, sưng tấy, móng chân mọc ngược và nhiễm trùng móng chân. Nếu khó nhìn hoặc khó tiếp cận bàn chân, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của thành viên trong gia đình hoặc bác sĩ.
- Nếu bàn chân bị khô, có thể sử dụng kem dưỡng trên da nhưng không thoa giữa các ngón chân. Mang giày và tất vừa vặn và mang chúng mọi lúc mọi nơi. Dùng nước ấm để rửa chân và lau khô cẩn thận sau đó.
- Sử dụng các loại giày đặc biệt nếu cần.
- Cần tham khảo ý kiến chuyên gia trong việc lựa chọn các bài tập thể dục hợp lý.
TỰ CHĂM SÓC BÀN CHÂN TRONG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG |
|
Nên | Không nên |
✅ Kiểm tra bàn chân mỗi ngày để tìm vết cắt, vết nứt, vết bầm tím, mụn nước, vết loét, nhiễm trùng hoặc các dấu hiệu bất thường | ❌Tự cắt các vết chai |
✅Sử dụng gương để quan sát phần dưới của chân nếu không thể nâng chân lên | ❌Cắt khoé (móng chân đang mọc ngược) bằng dao cạo hoặc kéo. Nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc bàn chân để được hướng dẫn |
✅Kiểm tra màu sắc của chân và bàn chân. Nếu có tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau, hãy lập tức đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc bàn chân | ❌Sử dụng thuốc không được kê đơn để điều trị mụn cóc hoặc các vết chai. Chúng có thể gây nguy hiểm cho người mắc đái tháo đường |
✅Làm sạch vết cắt hoặc vết xước bằng xà phòng dịu nhẹ và nước. Dán một lớp băng khô cho vùng da nhạy cảm | ❌Chườm nóng chân bằng bình nước nóng hoặc chăn điện. Bạn có thể bị bỏng chân mà không thể nhận ra |
✅Cắt móng tay theo đường thẳng | ❌Ngâm chân |
✅Rửa và lau khô chân mỗi ngày, đặc biệt giữa các ngón chân | ❌Tắm nước rất nóng |
✅Thoa kem dưỡng da lên gót và lòng bàn chân mỗi ngày. Lau sạch lớp kem thừa | ❌Thoa kem dưỡng da giữa các ngón chân |
✅Thay vớ (tất) mỗi ngày | ❌Đi chân trần |
✅Mang giày có lớp đệm tốt | ❌Mang tất chật, nịt bít tất, quần tất |
✅Luôn mang giày vừa vặn, chuyên dụng, từ một cửa hàng có uy tín. Các dụng cụ hỗ trợ mang giày có thể hữu ích | ❌Mang miếng lót không được kê đơn – Chúng có thể gây ra mụn nước nếu không phù hợp với chân của bạn. |
✅Chọn giày có gót thấp (dưới 5 cm) | ❌Ngồi trong thời gian dài |
✅Nên mua giày vào cuối buổi chiều (Vì bàn chân lúc đó có thể bị sưng một chút) | ❌Hút thuốc |
✅Tránh tiếp xúc cực lạnh hoặc cực nóng (bao gồm ánh nắng mặt trời) | |
✅Tập thể dục thường xuyên | |
✅Gặp chuyên gia chăm sóc chân nếu cần lời khuyên hoặc điều trị |
Tài liệu tham khảo
1.American Diabetes Association. Peripheral Neuropathy. https://www.diabetes.org/diabetes/complications/neuropathy/peripheral-neuropathy?fbclid=IwAR3Dz24Qvi5QsjrfAD4eaEOygctSML6PqHoP-GCiMekxfmdaQ0S49o8wnJU. truy cập 3/12/2020
2.American Diabetes Association.Autonomic Neuropathy. https://www.diabetes.org/diabetes/complications/neuropathy/autonomic-neuropathy?fbclid=IwAR1alX5QW4nt_gOVdJ_Anj0G-Nes8-MbuQR8o6FodKrAR8DepiO6ocPmAq8. Truy cập ngày 3/12/2020
3.Coriell Institute. Motor Neuron Disease.https://catalog.coriell.org/1/NINDS/Diseases/Motor-Neuron-Disease?fbclid=IwAR3yUqJzywwrzNRvKti9dIwo-X-zVZsBsV6JNbVlz34iIMRmPVgQrDV6bcs. truy cập ngày 3/12/2020
4.American Heart Association. About Peripheral Artery Disease (PAD).https://www.heart.org/en/health-topics/peripheral-artery-disease/about-peripheral-artery-disease-pad?fbclid=IwAR14ZJWxBwqk_cjY8UEugpEBW-jMbkbqK2B6q4NHAEsAf8Jcjmtkwj0PU0M#:~:text=Peripheral%20artery%20disease%20is%20a,CAD. Truy cập ngày 3/12/2020
5.American Diabetes Association.Steps to Prevent or Delay Nerve Damage. https://www.diabetes.org/diabetes/complications/neuropathy/steps-prevent-or-delay-nerve-damage?fbclid=IwAR0gvV5UBF9VBMtFFMpIzSakTj76bumVSlkLitSa7kJMyLsvWFdaMnavysQ. truy cập ngày 3/12/2020
6.American Diabetes Association. Microvascular Complications and Foot Care: Standards of Medical Care in Diabetes−2020.https://care.diabetesjournals.org/content/43/Supplement_1/S135?fbclid=IwAR35PDp2Ld_XwoJaC71OyPOgq_mRvNyShJSejMFQiZty4wDApazUWHh8evY. Truy cập ngày 3/12/2020
7.https://www.diabetes.ca/DiabetesCanadaWebsite/media/Managing-My-Diabetes/Tools%20and%20Resources/diabetes-and-footcare-a-patient-checklist.pdf?ext=.pdf&fbclid=IwAR0pgP1N0rTCBfivM2DbJdFmIYQbn5BHJVNR3M1ZHhoeak7JUrY4ytduGdU